Bình Dương yêu thương
Đồng hành cùng team BDR

Đường Hàng Dương ngày xưa, nay là bến Bạch Đằng

TP Thủ Dầu Một 30/06/2025
5/5 - (6 bình chọn)

Đó là con đường xưa nhất, đẹp nhất Bình Dương ngày xưa. Theo Đại Nam nhất thống chí, đó là con đường chính dẫn vào lỵ sở huyện Bình An xưa tồn tại trước năm 1623 khi vùng đất này còn thuộc Thủy Chân Lạp. Đó cũng là con đường mà đại úy Grammont người Pháp, hoàn toàn bị chinh phục khi vừa đặt chân đến. Và ông không giấu được sự rung động, đã trải lòng mình trên những trang viết: “Xuôi về phía nam, ven đường là thị trấn Phú Cường với những mái ngói chìm trong những tán cây xanh, trên bến là những thuyền buồm sặc sỡ. Ngôi chợ ở khúc đường đầu tiên chiếm vị trí làm nền cho bức tranh. Ở bên phải và bên trái là những bụi cây nhỏ và cây cau non, dường như muốn ép lấy bến cảng. Những cây thân trần và rất cao, tạo thành vành đai của cảng. Dưới chân chúng, một cây đa hơn trăm tuổi đứng hùng vĩ như hình ảnh kẻ vươn tay che chở, bảo vệ vùng đất này…”.

Đường hàng dương ngày xưa nay là bến bạch đằng thủ dầu một
Đường Hàng Dương nay là Bến Bạch Đằng (Thủ Dầu Một)

Cây đa mà Grammont mô tả trên đường Bạch Đằng, chính xác hơn là cây dầu cao tuổi nhất, mà theo truyền thuyết, đã ngã xuống dòng sông Sài Gòn sau đó vài năm. Điều này cho thấy con đường Bạch Đằng xưa kia chia cắt dòng sông và ngọn đồi trồng cây dầu, che chở cho đồn binh huyện Bình An (sau này là đồn binh Pháp, Tòa bố, Tòa Hành chánh ngụy quyền, trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương ngày nay).

Từ ngọn đồi Phú Cường nhìn xuống là bến ghe thuyền tấp nập, nơi vận chuyển, mua bán, trao đổi sản phẩm, hàng hóa của người Bình Dương xưa với bạn hàng miền Tây, Sài Gòn, Gia Định. Nơi đây, ngoài tuyến đường bộ duy nhất từ Thủ Dầu Một đi Sài Gòn, một chuyến tàu thủy của hãng Yeng Seng đưa khách mỗi ngày một chuyến khứ hồi từ Thủ Dầu Một xuống Lái Thiêu và Sài Gòn.

Theo tư liệu của Baurac và Monographie de Thu Dau Mot 1910, con đường Bạch Đằng xưa ngược về hướng bắc, chen lẫn với nhà cửa sang trọng, giàu có của quan chức Pháp – Việt là cơ sở hành chính, cai trị quan trọng của chính quyền thực dân… Đầu những năm 1890, trong cuộc chỉnh trang đường sá, xây dựng phố chợ, chính quyền Pháp triệt hạ hàng trăm cây dầu mọc ven đường, bắt nhân công người Việt trồng toàn cây dương (Peuplier filao) thay vào để tạo cảnh quan thoáng mát. Con đường Bạch Đằng từ đó mang tên Hàng Dương theo cách gọi dân gian của người địa phương.

Trong trí nhớ của người Bình Dương xưa, con đường Hàng Dương đẹp khác nào bức tranh thủy mặc, chạy dài từ sát bờ sông Sài Gòn (đoạn trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Công binh – Chánh Mỹ ngày nay) đến tận rạch Bà Lụa (Phú Cường, TX.TDM). Đó là con đường đất đỏ, chạy dọc triền sông, êm đềm, tĩnh lặng, hàng dương xanh tỏa bóng rì rào, nơi đây mỗi ngày không biết có bao nhiêu xe thổ mộ chở khách, chở hàng lọc cọc từ chợ Thủ về xa… và ngược lại… Xe chầm chậm trên đường Hàng Dương, rời chợ cá – ngôi chợ đẹp nhất Nam bộ mà nhà văn Sơn Nam không tiếc lời ca ngợi, qua những ngôi nhà cổ của Trần Công Vàng, Trần Văn Hổ. Cũng từ ô cửa xe thổ mộ nhìn ra con đường Hàng Dương thẳng tắp bóng cây trải dài đến cầu Ông Kiểm, rồi dường như hẹp lại trước ngôi trường dạy nghề Mỹ nghệ Thủ Dầu Một, nơi đào tạo những nghệ sĩ tài hoa nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh. Rẽ tay phải, xe chạy về Chánh Hiệp, Chánh Thiện, Giếng máy đến làng An Nhất Thuyền xưa, chuyên nghề đóng thuyền có trại ghe lớn nhất Nam bộ giữa thế kỷ XIX. Xuôi về tay trái, con đường Hàng Dương tiễn khách qua Mỹ Hảo, Tương Bình Hiệp hay ngược đường lên Hóc Môn, Gia Định…

Người Bình Dương xưa luôn sống với hoài niệm. Chắc hẳn họ sẽ không bao giờ quên con đường Hàng Dương với dấu xưa, xe ngựa hồn thu thảo, con đường xưa nhất, đẹp nhất, giàu có nhất của quê hương. Chính con đường lịch sử này, với ngọn đồi trồng toàn cây dầu đã định danh ra xứ Thủ Dầu Một, với hàng dương xưa đã là công viên thu nhỏ đối với bao thế hệ cuộc đời. Dẫu cho đến bây giờ, một hàng dương xanh không còn nữa, những tiếng vọng và âm thanh của nó, vẫn còn lay động, rì rào trong ký ức của biết bao người.

Dõi theo suốt dòng sông 308 năm là đi cùng người xưa để có một chút hiểu biết về vùng đất mình đang sống. Con đường Hàng Dương như một thứ keo kết dính, tìm về quá khứ, ngắm nhìn vết xưa để có đủ lòng tự hào cho chính mình khi hướng về tương lai. Vùng đất mới hoang sơ ngày ấy giờ đây đã trở thành một tỉnh công nghiệp với những con người năng động, nghĩa khí, cái kết tinh ngời sáng từ trong mạch máu ông cha để lại, điều đó không đủ để làm nên niềm tự hào lớn nhất trong mỗi người Nam bộ hay sao?

Trần Bình Dương

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan

Nguyễn Việt Hoàng 11/11/2024

Đình Thần Bưng Cù (Miếu Ông Cù): Dấu ấn một thời khai hoang mở cõi

Đình Thần Bưng Cù, hay Miếu Ông Cù, là một di tích lịch sử văn hóa đặc sắc tại Bình Dương, gắn liền với hành...

4.2/5 - (9 bình chọn)
Nguyễn Việt Hoàng 09/11/2024

Công viên Trung tâm Thành phố Mới Bình Dương: Điểm check-in, vui chơi không thể...

Công viên Trung tâm Thành phố Mới Bình Dương là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích không gian xanh mát, thoáng đãng...

3.4/5 - (5 bình chọn)

Nền tảng vì doanh nghiệp Bình Dương

Hàng ngàn điểm cung cấp dịch vụ, sản phẩm tại Bình Dương được cộng đồng Reviewers trải nghiệm và đánh giá khách quan, minh bạch, chi tiết nhất.

BinhDuong Review có tiêu chuẩn cung cấp thông tin rõ ràng, là cầu nối giúp hàng triệu người dùng có được lựa chọn sử dụng dịch vụ, sản phẩm tốt nhất!

icon Facebook icon linkedin icon tiktok
Đăng tải thông tin hoàn toàn MIỄN PHÍ

  © Bản quyền 2024 BinhDuongReview.vn | Chính Sách - Điều Khoản