Đình Thần Bưng Cù, hay Miếu Ông Cù, là một di tích lịch sử văn hóa đặc sắc tại Bình Dương, gắn liền với hành trình khai hoang, lập ấp của các bậc tiền nhân. Trải qua hàng trăm năm, ngôi đình vẫn giữ vững vai trò là nơi thờ cúng linh thiêng, tôn vinh công lao của những người đã có công khai phá vùng đất, đồng thời còn trở thành biểu tượng tâm linh và văn hóa quan trọng của địa phương.
Đình Thần Bưng Cù, còn được biết đến với tên gọi Miếu Ông Cù, là một trong những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh Bình Dương. Vị trí của ngôi đình cổ nằm ở Khu phố Khánh Long, Phường Tân Phước Khánh, TP. Tân Uyên.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn và mang ý nghĩa biểu tượng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã chính thức xếp hạng Đình Thần Bưng Cù là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào ngày 16/11/2016.
Đình Thần Bưng Cù được xây dựng vào khoảng năm 1850 và bởi những cư dân đầu tiên đến vùng đất Bình Dương để sinh sống. Vì vậy, ngôi miếu này gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp của các bậc tiền nhân và là nơi ghi dấu cho sự kiên cường, bất khuất của họ trong việc chống giặc ngoại xâm, dưới hoàn cảnh khắc nghiệt, lúc bấy giờ.
Nơi đây không chỉ là một nơi thờ cúng linh thiêng mà còn là biểu tượng cho lòng biết ơn, tinh thần đoàn kết và niềm tin tâm linh của người dân địa phương.
Do vậy, vào ngày 19 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), vua Tự Đức đã ban sắc phong “công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng” để nhân dân thờ phượng. Ngôi đình còn này là “cái nôi” của môn võ cổ truyền Tân Khánh – Bà Trà, vẫn đang được lưu truyền đến hiện nay.
Trước khi có tên gọi như hiện nay, Đình Thần Bưng Cù có rất nhiều tên gọi khác nhau. Mỗi cái tên đều có nguồn gốc riêng và gắn liền với những giai đoạn lịch sử. Cụ thể:
Sự hình thành của Đình Bưng Cù (Miếu Ông Cù) gắn liền với một câu chuyện mà các cụ cao niên trong làng thường kể lại. Cách đây hơn 200 năm, trong một dịp đầu xuân tại vùng Tân Khánh – Bà Trà, ông Phạm Văn Thuận đi ra suối để khai phá đất làm ruộng. Trưa nắng, ông ngồi dưới gốc cây Sến nghỉ mát thì gặp một người gốc Huế đi ngang qua từ ngã ba chợ Tân Ba.
Cả hai ngồi lại trò chuyện, và người kia kể rằng trước kia tại vùng này có một con Cù tu luyện, sau đó hóa thành suối chảy về sông Đồng Nai, nguồn nước xuất phát từ mạch Nhà Thơ. Người dân làng Phước Lộc (nay là một phần Bình Phước B và Bình Chuẩn) thường lấy nước từ con suối này về sử dụng trong những dịp lễ lớn như lễ Kỳ Yên.
Sau khi nghe câu chuyện, ông Phạm Văn Thuận đã kêu gọi người dân xung quanh cùng nhau phát quang rừng, xây dựng nên Miếu Ông Cù để thờ cúng. Một thời gian sau, ông quan tổng Nguyễn Văn Thu ở chợ Tân Khánh đã thảo luận với ông Thuận và bà con trong vùng về việc dựng một ngôi đình khang trang hơn để thờ phụng thần linh và các vị tiền nhân. Từ đó, cái tên Đình Thần Bưng Cù chính thức xuất hiện.
Vào năm 1926, làng Tân Khánh và làng Phước Lộc sáp nhập thành một, lấy tên là Tân Phước Khánh. Vì vậy, Đình Bưng Cù cũng được biết đến với tên gọi khác là Đình Thần Tân Phước Khánh, dù không được sử dụng phổ biến.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đình Bưng Cù đã trở thành nơi khơi dậy tinh thần yêu nước mạnh mẽ của người dân địa phương. Đặc biệt, trong lễ Kỳ Yên năm 1945, khi Pháp quay trở lại chiếm đóng miền Nam, ông Nguyễn Văn Ngang – Tổng ủy viên quân sự – đã lên sân khấu kêu gọi nhân dân không hợp tác với Pháp. Ông cùng Ban quý tế sau đó đã thắp hương và quyết định đốt đình, không để rơi vào tay thực dân, thể hiện tinh thần hưởng ứng phong trào tiêu thổ kháng chiến.
Đến năm 1954, Đình Bưng Cù được dựng lại bằng vật liệu thô sơ. Tuy nhiên, trong thời gian sau đó, do ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh và việc gom dân vào ấp chiến lược, người dân ít dám đến đình. Khu vực xung quanh đình cũng được du kích từ 3 xã Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Bình Chuẩn sử dụng làm nơi đào hầm trú ẩn và hoạt động cách mạng.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Đình Bưng Cù rơi vào cảnh hoang tàn suốt một thời gian dài vì người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đến năm 1995, ông Lương Văn Gọn và ông Phan Văn Đồi đã đứng ra kêu gọi bà con đóng góp để tái dựng lại đình. Ban đầu, gian chánh điện được xây dựng, sau đó lần lượt hoàn thiện các hạng mục khác như Đông Lang, Tây Lang, và gần đây nhất là nhà Võ Ca.
Đình Thần Bưng Cù được xây dựng trên một khu đất rộng 6.261,5 m2, có vị trí cao ráo và thoáng mát. Bao quanh đình là nhiều cây xanh và tường rào kiên cố. Mặt đình hướng về phía Đông, đối diện là tuyến đường DH402, giúp việc đi lại của dân làng và du khách thập phương trở nên thuận tiện hơn.
Khuôn viên đình bao gồm nhiều công trình, như: chánh điện, nhà võ ca, nhà thờ tổ, đông lang, văn bia liệt sĩ, miếu thờ bạch mã, bình phong và cổng đình.
Kiến trúc của Đình Thần Bưng Cù mang đậm nét đặc trưng của đình miếu Nam Bộ với lối xây dựng cổ kính, sử dụng nhiều vật liệu truyền thống như: gỗ, ngói,…
Các chi tiết trang trí, chạm trổ trong miếu đều thể hiện tinh hoa nghệ thuật dân gian, từ hình ảnh rồng, phượng cho đến các họa tiết hoa văn tinh xảo, tượng trưng cho sự phồn vinh và sung túc.
Hiện nay, đình đã được xây dựng khang trang với đầy đủ các hạng mục cần thiết. Sân đình cùng các công trình xung quanh đều được lát xi măng hoặc gạch nung, mái tôn giúp không gian thêm thoáng mát.
Bao quanh đình là Đông Lang, Tây Lang rộng rãi và vườn cây dầu xanh mát. Khung cảnh yên bình của Đình Bưng Cù rất lý tưởng cho các buổi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức nghi lễ hay những hoạt động diễn xướng truyền thống.
Mỗi năm, hàng trăm hàng nghìn lượt khách từ thập phương đổ về Đình Thần Bưng Cù để tham gia các hoạt động tế lễ, hội làng, tiêu biểu trong số đó là 2 ngày lễ lớn, bao gồm: Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10/3 Âm lịch) và Đại lễ Kỳ Yên (ngày 18-19/8 Âm lịch).
Đây là ngày để người dân địa phương tưởng nhớ công ơn lớn lao của các bậc tiền nhân và cũng là dịp gắn kết cộng đồng, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội Kỳ Yên được tổ chức mỗi năm một lần.
Đặc biệt là, cứ 3 năm, Lễ hội sẽ được tổ chức vô cùng long trọng với nhiều nghi thức trang trọng, như: lễ đại bội các vị thần linh, Tổ nghề nghiệp, tiền hiền, hậu hiền; lễ cúng yết; lễ cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Ngoài ra, còn có rất nhiều lễ cúng khác được tổ chức thường xuyên tại Đình Thần Bưng Cù, có thể kể đến như:
Bên cạnh việc bái thần và bày tỏ lòng biết ơn của mình, người tham gia các lễ hội tại Đình Thần Bưng Cù còn có thể trực tiếp trải nghiệm vào nhiều hoạt động thú vị khác, chẳng hạn như: diễn xướng dân gian, đờn ca tài tử, trò chơi dân gian,…
Đình Thần Bưng Cù (Miếu Ông Cù) không chỉ là một công trình tôn giáo linh thiêng, mà còn là biểu tượng văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử của thời kỳ khai hoang mở cõi. Qua hàng thế kỷ, ngôi đình đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin cũng như sự tưởng nhớ sâu sắc của người dân Bình Dương đối với tổ tiên và các vị thần linh.
Có thể bạn quan tâm
Nền tảng vì doanh nghiệp Bình Dương
Hàng ngàn điểm cung cấp dịch vụ, sản phẩm tại Bình Dương được cộng đồng Reviewers trải nghiệm và đánh giá khách quan, minh bạch, chi tiết nhất.
BinhDuong Review có tiêu chuẩn cung cấp thông tin rõ ràng, là cầu nối giúp hàng triệu người dùng có được lựa chọn sử dụng dịch vụ, sản phẩm tốt nhất!
© Bản quyền 2024 BinhDuongReview.vn | Chính Sách - Điều Khoản
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!